🌱Vòng tay người bệnh: dụng cụ hỗ trợ để xác định đúng người bệnh chứ  không khẳng định đó là đúng người bệnh.

Chắc hẳn tại bệnh viện anh chị đã sử dụng vòng đeo tay này có lẽ cũng gặp phải một số vấn đề như.

  • Người bệnh không muốn đeo hay từ chối đeo.
  • Bệnh nhân bị dị ứng với chất liệu.
  • Người bệnh còn lấy vòng của người khác đeo vào vì …sợ bị mắng, điều này vô cùng nguy hiểm. Vậy tại sao lại phát sinh ra những vấn đề như trên? Chúng ta thử nhìn nhận một vài khía cạnh sau và cùng suy ngẫm xem sao:
  • Nhân viên đã hiểu đúng về việc cần sử dụng vòng tay người bệnh chưa
  • Cách giải thích hướng dẫn với người bệnh đúng và phù hợp chưa
  • Vòng tay người bệnh có thực sự cần thiết hay đem lại hiệu quả cho công việc của nhân viên y tế chưa?
  •  Giải pháp cải tiến có đưa ra kịp thời trên kết quả nghiên cứu thực tế từ khó khăn khi thực thi áp dụng đeo vòng người bệnh chưa?
  •  Thông tin nào là cần thiết ghi trên vòng.vv..

Cùng xem trải nghiệm khó khăn, cải tiến của bv Nhật

Hai thời kỳ sử dụng vòng tay người bệnh.

🌱Thời kỳ 1: khi chưa phổ cập bệnh án điện tử, sử dụng vòng đeo tay tự viết tay, không có mã vạch

Những năm đầu sau tốt nghiệp viện mình đã sử dụng vòng đeo tay thủ công bằng việc dùng bút tự viết thông tin nên vòng

  • Họ và tên người bệnh
  • Ngày tháng năm sinh người bệnh
  • Giới tính, nhóm máu, khoa nhập viện

Đây là các thông số cần thiết, sẽ đeo sau khi nhập viện điều trị nội trú. Khi người bệnh được chụp chiếu hình ảnh, làm xét nghiệm hay làm các thủ tục hành chính, nhân viên y tế sẽ tiến hành xác nhận kiểm tra thêm thông qua vòng tay ngoài việc hỏi họ tên, ngày tháng năm sinh.  Thông tin trên vòng tay này còn giúp cung cấp thông tin khi nhân viên không rõ người bệnh hoặc người bệnh không tự nói được, mất trí nhớ, lẫn..Nói chung thời đó chuyện phải đối chiếu để định danh đúng người bệnh theo quy trình: hỏi tên tuổi và  xác nhận thông tin ở vòng đeo tay vẫn còn khá lỏng lẻo. Thời đó vòng tay đã được thiết kế sao cho khóa vòng sau khi lắp sẽ không tháo được. Màu khóa sẽ khác nhau để phân biệt người bệnh có bị truyền nhiễm, lưu ý gì không, hoặc có viện sẽ phân biệt theo nhóm máu. Vòng tay có các màu: đỏ, xanh, vàng, trắng  tuy nhiên chưa thống nhất trên tất cả các viện.

🌱Giai đoạn 2: phổ cập quản lý mọi thứ từ vật tư bằng mã vạch, in mã vạch trên vòng đeo tay

Truyền thông và cái mốc để thay đổi.

Mình và các đồng nghiệp khác luôn nhắc, nhớ và nói đó là cái mốc của sự thay đổi bằng quản lý mã vạch. Khởi đầu là các bằi đăng tin liên tục về các vụ nhầm người bệnh mà có lẽ trước đó đã có nhưng chưa bị truyền thông phân tích bình luận nhiều. Đầu tiên là vụ tin của một bệnh viện khá lớn mổ nhầm người bệnh. Từ đó, những ca nhầm người bệnh bắt đầu bị đưa lên “mổ xẻ” dưới con mắt “xét nét” của truyền thông và dư luận. Người ta thống kê những ca sai sót, nguyên nhân, lỗ hổng y tế..vân vân các vấn đề sai phạm.  Điều này đã làm cho nhà quản lý bệnh viện hay nhân viên y tế không thể làm ngơ. Cũng từ cột mốc này mà việc  Quản lý bằng mã vạch trong bệnh viện bắt đầu được áp dụng.  Có lẽ những bệnh viện tại Việt Nam đã/ đang sử dụng vòng tay quản lý bệnh nhân cũng đã hoặc đang trải qua những khó khăn này.

🌱Phổ cập bệnh án điện tử

Theo điều tra của bộ y tế Nhật 2017,có 1 con số đáng kinh ngạc về mức độ phủ sóng của bệnh án điện tử: trên 85% Bv trên 400 giường đã dùng bệnh án điện tử. Dù chưa có thống kê mới nhưng có thể nhận định ở thời điểm hiện tại 2020 thì chắc 100% bv trên 400 giường đã sử dụng bệnh án điện tử. Kèm theo đó là in mã vạch trên vòng đeo tay người bệnh, thêm vào đó các bv dùng bệnh án điện tử đều có thêm máy in để in

  • In vòng đeo tay người bệnh
  • In các mã vạch để dán nên mẫu bệnh phẩm và được link từ chỉ thị y lệnh
  • In các miếng dán cho thuốc truyền

Tự động hóa giúp tặng hiệu xuất giảm nhầm lẫn đến tối thiểu; ví dụ tại khoa lấy máu của khoa khám ngoại trú mỗi ngày lấy cả 1000 lần ở viện lớn: khi tự động hóa mẫu lấy máu được in và tự động chuẩn bị theo nội dung y lệnh có sẵn. Vì thế khi bệnh nhân tới làm thủ tục qua máy tự động sẽ tự động in và tự động dán bằng hệ thống tự động tránh những sai sót do nhầm lẫn của nhân viên khi thực hiện.

Sau khi đã được trải nghiệm làm việc tại nơi tiên tiến có dùng bệnh án điện tử, tiêu chuẩn chuyển việc của mình là sẽ chỉ chọn BV có sử dụng bệnh án điện tử. Ở BV sử dụng tích hợp quét mã vạch trên vòng người bệnh trên nhiều quy trình thì trong công việc hàng ngày nhân viên y tế bắt buộc phải đọc mã vạch trong quy trình được quy định cụ thể ví dụ:

Các bước cần làm khi truyền dịch hay truyền máu

  1. Quét  mã vạch số ID nhân viên y tế
  2. Quét mã vạch in trên vòng đeo tay
  3. Quét  mã vạch in trên chai dịch truyền. Với truyền máu còn có vài loại mã vạch để xác nhận về thời hạn sử dụng và thông tin về bịch máu giúp xác nhận an toàn trong quy trình thực hiện.
  4. Khi qua 3 công đoạn trên trên màn hình (hoặc máy tính, hoặc màn hình nhỏ cầm tay) sẽ hiện rõ y lệnh để có thể xác nhận lại trước khi thư thực hiện.

Nên có thể nói khi IT được áp dụng sâu vào công việc thì rất cần quét mã vạch trên vòng đeo tay. Ví dụ tại BV mình đã làm: máy đo nhiệt độ, huyết áp, đường huyết hay đo nồng độ oxi cũng tự động được ghi chép bào bệnh án nên cần quét mã vạch trước khi thực hiện.

Tại khoa khám bệnh chụp chiếu hay làm các xét nghiệm cũng cần quét mã vạch. Với người bệnh tự đi lại được thông thường để người bệnh tự đi xuống khoa khám bệnh chụp chiếu. Vì thế với kỹ thuật viên phòng chẩn đoán hình ảnh thì thủ tục quy trình là: Sau khi để bệnh nhân tự nói tên, ngày tháng năm sinh sẽ dùng máy quét mã vạch là cần thiết trong quy trình. May thay từ khi quản lý chặt chẽ vậy không còn nghe thấy truyền thông thông báo các vụ nhầm nghiêm trọng như trước kia. Khi có dịp vào các BV tuyến đầu (là nơi nghiêm ngặt chấp hành) sẽ nghe thấy các câu gần như thành câu cửa miệng và quen thuộc của NVYT như.

  1. Bác có thể nói họ tên và ngày tháng năm sinh để chúng tôi xác định đúng người không?
  2. Xin phép được quét mã vạch trên vòng đeo tay của bác
  3. Trước khi chụp chiếu: Bác được Bs, dd giải thích sẽ chụp bộ phận nào chưa? …chúng ta sẽ chuẩn bị cho việc chụp CT.
  4. Sau khi thay đồ bác để hết các tư trang vào trong tủ đựng, cầm theo chìa khóa và thẻ khám bệnh ID của bác vào phòng chụp. Tại đây sẽ xác nhận lại họ tên ngày tháng năm sinh và số thẻ ID (thẻ ID người bệnh tương ứng với mã vạch trên vòng tay) để tránh sai sót nhầm người.
  5. Tại nơi lấy máu: Dự tính sẽ lấy …ống máu nhờ bác cùng xem xem có nhầm tên bác không?( cùng nb xem họ tên, tuổi ghi trên ống lấy máu)

Hội thoại trong giao tiếp ứng xử về xác định đúng người bệnh chắc thành câu quen thuộc nhất. Tại viện có dán nhiều tờ rơi về xác định người bênh, kêu gọi người bệnh cộng tác đeo vòng khi nhập viện. Hay tại các khu khác có khám tầm soát 1 ngày thì ngay từ đầu đã đeo vòng và mỗi công đoạn đều có kiểm tra. Từ đó đối với người bệnh chuyện đeo vòng, có hỏi tên tuổi ngày tháng năm sinh là tiêu chuẩn,  thậm trí nhiều người bệnh chưa kịp hỏi,  mới ngồi xuống nghế đã tự nói luôn. Nâng cao dần nhận thức của người dân và người dân cũng hiểu phần nào “đẳng cấp của bệnh viện” qua các việc nhỏ như thế. Cải tiến từ những việc rất nhỏ của NVYT góp phần gây dựng thương hiệu BV, thương hiệu là cái “hiệu” được “thương” anh chị nhỉ.

🌱Đeo vòng khi nào? Cách giải thích với người bệnh ra sao để nhận được sự cộng tác?

Cá nhân mình chưa gặp trường hợp người bệnh từ chối .  Thông thường, các thông tin sẽ được in sẵn trên vòng . Nhân viên sẽ đem tới và giải thích cho người bệnh những phần họ còn  băng khoăn. Đặc biệt là trong môi trường bệnh viện, việc giải thích cho người bệnh hiểu và chấp hành là một việc hết sức khó khăn. Mình xin nêu một ví dụ về đoạn hội thoại của nhân viên y tế với một bệnh nhân lớn tuổi:

  • Trong quá trình nhập viện rất mong bác sẽ cộng tác đeo vòng tay này với mục địch giúp hỗ   trợ xác định đúng người trong mọi xét nghiệm, thủ thuật và kiểm tra và thủ tục hành chính.
  • Khi bác tiêm truyền, thuốc, chụp X-Quang làm thủ thuật, vào phòng phẫu thuật tất cả các thứ cần xác định chính xác đúng người. Ngoài hỏi tên, ngày tháng năm sinh, sẽ có quét mã vạch in trên vòng đeo tay này. Vì thế nó rất quan trọng và sẽ đeo suốt trong quá trình nhập viện.
  • Đây là vòng không thấm nước nên bác có thể tắm và không ảnh hưởng gì. Trường hợp vòng bị đứt, và bị tuột nhờ bác báo lại cho điều dưỡng hoặc nhân viên trong khoa để in vòng mới và đeo lại. Hoặc bác thấy bị dị ứng hay bất thường thì báo lại để cùng tìm giải pháp thay thế.
  • Trước khi đeo chúng ta cùng xác nhận lại thông tin trên vòng cùng đọc to: Nguyễn văn A, nam, 56 tuổi, nhóm máu o, sinh ngày … bác thấy có gì sai sót không.
  • Chọn tay hoặc chân để đeo tùy thuộc điều trị, chỉ để dưới 1,5 đốt ngón tay để không bị tuột vòng.
  • Trong thời gian nhập viện cháu là điều dưỡng phụ trách của bác nên có bất cứ việc gì thắc mắc khó khăn bác cứ kêu ạ.

Đó là thủ tục hành chính mình sử dụng suốt trong những năm qua và thấy rất thuận lợi. Theo mình ấn tượng giải thích ngay từ đầu khi đón bệnh nhân rất quan trọng. Tuân thủ quy định, quy trình là bảo vệ chính mình bớt rủi ro khi hành nghề.

🌱Quy định với trường hợp có lý do đặc biệt không đeo vòng: Có người bệnh dị ứng, phù tay hay da dễ bị tổn thương.  Bệnh nhân nhi khi tìm vòng sẽ thức giấc nên bố mẹ của trẻ từ chối. Khi đó thống nhất giải pháp trong khoa như: dán vòng nên thẻ tên người bệnh ở đầu giường, dán ở bàn ăn của NB hay dán cây truyền dịch và thông báo khi giao ban.

🌱Những khó khăn thời gian đầu mới triển khai tại Nhật ra sao?

Chắc hẳn thời gian 1-3 năm đầu nhiều bệnh viện  cũng gặp một số bất cập?

Cụ thể như thế nào ? viện anh chị có nghiên cứu, phân tích, báo cáo hay không?

🌱Đây là kết quả của 1 nghiên cứu tại Nhật, báo cáo năm 2012

Tại BV A, khoa nội, sau khi bệnh viện đưa vào sử dụng đeo vòng 3 năm vẫn còn thấy tình trạng bệnh nhân không đeo hay từ chối đeo và BV muốn hiểu rõ các vấn để, tiến hành nghiên cứu:

  1. Khảo sát với nhân viên ở 2 bộ phận: tất cả điều dưỡng tại khoa nội 32 dd, và nhân viên khoa chẩn đoán hình ảnh 15 kỹ thuật viên
  2. Khảo sát NB có đeo vòng không, thực hiện tại khoa nội và khoa chẩn đoán hình ảnh: tuần/lần, lặp lại 4 lần,  để tổng kết làm rõ % NB không đeo vòng tay

🌱Kết quả thu hồi được các số liệu sau

Đối với người bệnh trong 4 ngày điều tra kết quả trên 174 người bệnh

174 người bệnh chia 3 nhóm và đánh giá số người có đeo vòng và không đeo vòng.

Trên tổng thể có 66% NB đeo vòng, 34% không đeo vòng

Cụ thể hơn: nhóm NB nằm liệt giường 37% không đeo, nhóm cần hỗ trợ có 44% NB không đeo và nhóm tự do đi lại 19% không đeo vòng.

Với nhân viên y tế sẽ khảo sát qua hình thức lấy y kiến không đề tên

  1. Tại khoa 25 trên 32 dd trả lời về việc suy nghĩ vòng đeo tay có cần thiết không? 23 dd trả lời cần với lý do để nhận biết định danh chính xác người bệnh. 2 dd nói không cần vì đó không phải là phương tiện tuyệt đối để tránh nhầm nguời bệnh, phạm vi sử dụng ít: chỉ tuyệt đối dùng khi truyền dịch.
  2. Phòng chẩn đoán hình ảnh
  • Tất cả 15 nhân viên trả lời cần thiết đeo vòng tay để hỗ trợ xác định người bệnh
  • Đối với người bệnh không đeo vòng sẽ có trở ngại gì ?– không đọc được mã vạch, không đánh giá được người bệnh và bất an vì hầu như không biết mặt người bệnh.

3. Xử lý với người bệnh không đeo vòng, đứt vòng, mất vòng không đồng nhất và theo đánh giá của cá nhân.

4.  Ai là người cần sử dụng đến vòng đeo tay thì có nhiều câu trả lời như: tất cả nvyt cần, dd, kỹ thuật viên, bác sĩ, bộ phận hành chính.

Kết luận: Khi vận hành vòng tay người bệnh chưa làm rõ mục đích, tiêu chuẩn, cách thức vận hành chắc chắn sẽ gặp bất cập. Nhân viên chưa hiểu rõ dẫn tới đánh giá xử lý theo tiêu chuẩn cá nhân. Đánh giá lại sau khi đưa vào sử dụng, cải thiến lại quy trình tiêu chuẩn chưa được thực hiện và chính các nhân viên y tế chưa coi trọng tới việc cần thiết sử dụng dẫn tới việc giải thích với người bệnh chưa thấu đáo, xử lý nếu vòng bị tuột chưa thống nhất hay cả việc đánh giá đó là không cần thiết nhưng không đề xuất để có giải pháp thống nhất trong hệ thống bệnh viện.

Hi vọng các thông tin này giúp chúng ta có thêm thông tin để cải tiến tốt hơn.

Lưu ý: Nếu cảm thấy bài viết hay và bổ ích, các bạn có thể lấy làm tư liệu. Nhưng đề nghị các bạn phải ghi nguồn và chia sẻ link trang WEB cũng như link kênh youtube mà mình đính kèm cuối bài.

☎️Hãy liên hệ với chúng tôi:☎️

💚#こころメディ合同会社💚
💚KOKOROMEDICAL LLC💚
(Kết nối y tế Nhật Việt)

🏥 : 〒121-0055 Tokyoto Adachiku Kahei 1-1-9
☎️ : 03-5856-1516
🖨 : 03-5856-1516
💌 : kokoromedi@kokoromedi.com
⌨️ : https://www.kokoromedi.com
💻 : https://m.facebook.com/ytekokoromedical/?ref=bookmarks
⌨️ : https://www.youtube.com/watch?v=x7hb8-pTi6Y&t

💓Rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ các chuyên gia đa ngành và sự ủng hộ của cộng đồng.💓

🩺Lĩnh vực hoạt động KOKORO MEDICAL

💓1. Tổ chức các lớp học ngắn và dài hạn cho các cán bộ y tế của 2 nước Việt Nam – Nhật Bản.
💓2. Cung cấp kênh thông tin và các bài học về Y tế Nhật Bản qua kênh youtube
💓3. Kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế.
💓4. Hỗ trợ biên phiên dịch tiếng Nhật-Việt.
💓5. Hỗ trợ người Việt khám và chữa bệnh tại Nhật.