🌼Tại Nhật điều dưỡng quan trọng như thế nào?

Tại Nhật, công tác chăm sóc bệnh nhân là chăm sóc toàn diện. Bệnh viện sẽ đảm bảo từ ăn ở và mọi sinh hoạt của bệnh nhân. Các bệnh viên lớn không có hộ lý hay nhân viên chăm sóc, thậm chí không tuyển điều dưỡng trung cấp. Điều dưỡng sẽ đảm nhiệm mọi việc chăm sóc cho bệnh nhân về mọi mặt từ chăm sóc về y tế cho đến chăm lo cho tinh thần.

Trẻ em cấp mẫu giáo của Nhật khi được hỏi mơ ước lớn lên muốn làm gì thì top đầu là làm “điều dưỡng”, trong lòng các bé điều dưỡng là “thiên thần áo trắng“. Điều đó là kết quả phản ảnh khi các em khi đến viện thăm ông bà, hoặc nhập viện, có thể đã nhìn thấy đã được sự ân cần cũng như sự quan tâm chu đáo từ các cô điều dưỡng chăm sóc cho ông bà người thân hay chính bản thân các bé.

Phim ảnh về bệnh viện là một đề tài được khai thác nhiều nhất ở Nhật. Mình rất thích 1 số phim và khi xem hay để ý xem các thủ thuật chuyên môn của ngành y tế có được các diễn viên thể hiện như thế nào, có đạt hay không có đúng như chuyên môn hay không? Các chuyên gia hướng dẫn quay các thước phim này là “chuyên gia giỏi trong các nghành” đấy ạ.
Doctor X là một phim mình thích.
Việt Nam thì sao các cả nhà ơi?

🌼Nói chuyện về Ca làm việc của điều dưỡng ạ!

Ca làm việc của điều dưỡng tại Nhật Bản theo 3 hình thức.

🌱 Phổ biến nhất là 2 ca, ca ngày và ca đêm. Khi đó ca ngày sẽ làm việc từ 8:30-17:00 và ca đêm từ 16:30-9:30 ngày hôm sau và ca đêm được nghỉ 2 tiếng nếu bệnh nhân ổn.

🌱Với bệnh viện áp dụng 3 ca thì ca ngày 8:30-17:00, ca chiều từ 16:30- 24:00, ca đêm là sẽ từ 23:30-9:00 hôm sau. Có phòng cho nhân viên ngủ trọ dạng khách sạn con nhộng, nhưng cố gắng để điều dưỡng ca chiều về được chuyến tàu cuối.

🌱Có một số ít bệnh viện có ca đêm từ 21:00 đến 9:00 hôm sau, có bệnh viện sẽ tùy khoa và tính chất công việc mà sẽ có cả 2-3 hình thức như trên đan xen nhau.

Mình đã trải nghiệm làm 2 ca và 3 ca. Mỗi chế độ sẽ có những mặt mạnh và cảm nhận riêng nhưng đa số điều dưỡng thích nơi làm 2 ca, riêng bản thân mình nếu chọn có vẻ thích 3 ca hơn, vì đơn giản thời gian làm việc không dài và không mệt.

Tại Nhật điều dưỡng trưởng hoặc điều dưỡng chef sẽ là người đảm nhiệm xếp lịch làm việc cho khoa đó, tùy cách nghĩ của người đứng đầu mà đôi khi có cách xếp lịch chưa khoa học. Việc xếp lịch là công việc mất time và cần cân nhắc kỹ để đảm bảo cả số lượng và cả chất lượng cho tất cả các ngày làm việc, lại đảm bảo nguyện vọng về ngày nghỉ của mọi người được đúng mực.

Mình thích chế độ điều tiết xếp lịch ở bệnh viện Mỹ; tức là bộ phận điều tiết điều dưỡng riêng biệt và luôn đảm bảo số người làm phù hợp với số lượng bệnh nhân. Như vậy an toàn hơn nhiều. Thiết nghĩ các bệnh viện nên đào tạo một số điều dưỡng đủ trình độ có thể tới các khoa khác nhau, đào tạo đội quân lưu động đảm bảo chất lượng và số lượng theo quân số bệnh nhân nhập viện.

🌼Giao ban trong bệnh viện Nhật :

Giao ban là thời điểm mọi người truyền thông tin. Ở Nhật nói nhanh như thể phải gấp rút đó, nhưng nghe cũng quen, sinh viên mới khó có theo kịp để bắt nhịp lắm.

  • Khi giao ban thông báo ca làm việc có bao nhiêu bệnh nhân xuất viện, nhập viện.Bệnh nhân nào cần chú ý, bệnh nhân nặng, bệnh nhân phẫu thuật…
  • Công việc đặc biệt được lưu tâm là giao luôn chìa khóa tủ thuốc đựng các loại thuốc đặc   biệt. Ở tủ quản lý thuốc này có sẵn các loại check list và khi giao ban cũng sẽ đếm các loại thuốc để biết được thuốc nào đã sử dụng.
  • Thuốc quản lý dạng này tối thiểu phải có chữ ký của 2 điều dưỡng khi sử dụng. Dược sĩ cũng đến check thường xuyên.
  • Thuốc quản lý trong két thì phải đếm còn bao nhiêu ống nguyên, bao nhiêu vỏ đã dùng rồi ví dụ nếu chỉ dùng ½ thì thuốc còn lại sẽ được hút vào bơm tiêm và bảo quản ở đó. Dược sĩ cũng thường xuyên tới kiểm tra, bệnh nhân có dán thuốc đó cũng phải trả lại thứ đã dùng và việc này rất nghiêm ngặt. Ngoài ra khi giao ban còn đếm cả các dụng cụ y tế đơn giản như cặp nhiệt độ, máy đo nồng đọ Oxy có đủ không…

Nội dung liên quan đến bệnh nhân khi giao ban thì: chỉ giao ban các thứ quan trọng đáng lưu ý mà ghi chép khó truyền đạt được. Cũng có nơi giao ban rất kỹ nhưng xu hướng các bệnh viện lớn là không cần thiết giao ban nếu đã có ghi chép trên bệnh án. Vì thế nếu biết cách thu thập thông tin thì công việc sẽ hiệu quả hơn. Chắc ở một dịp khác mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm của mình.

Với ca trực thì thông thường chỉ có 2 điều dưỡng chăm sóc 40-50 bệnh nhân ở 1 khoa. Các bệnh viện lớn thường không có nhân viên chăm sóc, và đôi khi không tuyển dụng điều dưỡng trung cấp. Một số bệnh viện có thêm nhân viên chăm sóc khi đó buổi đêm thường có thêm 1 nhân viên chăm sóc. Bệnh nhân nhẹ hay nặng cũng tùy thuộc vào khoa và cả thời điểm.

Một trong 2 điều dưỡng sẽ là người chịu trách nhiệm trưởng nhóm và ghi chép vào tờ nhật ký khoa. Cái này có mẫu cụ thể nhưng lướt qua bảng này là biết ngay mọi thông tin bệnh nhân nhập viện, xuất viện, bệnh nhân phẫu thuật, bệnh nhân lưu ý, hay tổng số bệnh nhân đang phải kiềm chế cơ thể.

Số điều dưỡng đi làm ngày đó, còn trống mấy giường… là thông tin cơ bản giúp điều tiết điều phối giữa các khoa. Bệnh viện Nhật sẽ lấy số ngày trung bình bệnh nhân nhập viện để đánh giá nhiều mặt, vì thế tiền thu về từ bảo hiểm cũng có ảnh hưởng. Xu hướng chung là nhập viện ngắn ngày nhất có thể ở các khoa điều trị cấp tính. Chắc mình sẽ chia sẻ ở một dịp khác.

🌼Kết thúc chia sẻ hôm nay mình kể cách bệnh viện mình làm kinh tế như thế nào với các anh “say rượu” đựơc đưa tới cấp cứu nhé.

 Đó là bệnh viện giữa trung tâm Tokyo ngay ga Ochanomizu. Đây là quận “Văn” – quận tri thức của Tokyo nên có nhiều trường học, bệnh viện xung quanh ga này. Từ ga có thể đi bộ tới 10 bệnh viện lớn nhỏ, bệnh viện trường Đại học như Juntendo, Nha khoa Tokyo cũng nằm ngay trước cửa ga này. Viện mình từng làm không quá lớn: quy mô 300 giường nhập viện, thực hiện 3000 ca phẫu thuật/năm, khá hiện đại và tiện nghi. Trước đây là bệnh viện chuyên dành cho giáo viên, giảng viên của Tokyo nhập viện. Người bệnh nói chung là dân trí thức, khi làm ở đây mình cũng từng gặp một số quan chức cao cấp của Nhật nhập viện.

🌼Kể chuyện các anh “say” chút nhé!

🌱Cứ tối thứ 6, 7 thì bệnh viện sẽ cố gắng để trống các phòng riêng sẵn sàng đón các anh “say” nhập viện cấp cứu. Với khách sạn bạn check in vào buổi chiều và trọ 1 đêm 2 ngày cũng chỉ tính 1 lần, bệnh viện thì khác. Bệnh viện sẽ tính tiền phòng, tiền dịch vụ theo ngày và được tính từ 0 giờ.

Những anh bất tỉnh nhân sự được đưa đến thường là những anh tửu lượng không cao, có thể là bị ép uống lần đầu hay vì lý do nào đó đi uống và bất tỉnh. Đồng nghiệp lo và gọi cấp cứu rồi được đưa đến viện, thường được đưa đến tầm 23:00 ở khoa cấp cứu. Và tất nhiên điều dưỡng như đã thành thục sẽ cố gắng điều chỉnh làm thủ tục nhập viện đủ nhanh và lên khoa muộn nhất là 23:57 phút. Và thế là mọi thứ sẽ bị tính 2 ngày.Anh chàng “say” đó khi lên khoa, được truyền 3-4 chai nước, mặc tã và ngủ ly bì tới sáng. Tất nhiên lúc nhập viện anh “say” hoặc đồng nghiệp đi cùng cũng phải ký tên đồng ý nhập viện…không có phương án nào khác ngoài ký đồng thuận xin nhập viện. Bút sa gà chết…
Thường thì sáng hôm sau tỉnh dậy anh “say” ngỡ ngàng lổm ngổm, ngơ ngác “đây là đâu”, điều dưỡng sẽ thỏ thẻ kể chuyện tối qua anh xỉn thế nào, nôn thế nào… Nhận hóa đơn thanh toán có thể lên tới trên 700 USD cho 1 đêm nằm viện.Chi phí này chủ yếu là tiền phòng, tại khu vực trung tâm Tokyo nếu phòng đơn thì 200-500 USD là rất bình thường. Nhưng nếu là phòng 4 người thì thông thường lại không mất tiền phòng. Các anh say sẽ choáng, nhưng hẳn sẽ thề là lần sau sẽ không thể uống say đến mức đó nữa. Có bà mẹ của chú “say” sáng sớm nhận được liên lạc từ đồng nghiệp con mình lục đục đến đón con và mắng; không uống được thì đừng có cố!

🌱Điều dưỡng hay kháo nhau, cuối tuần này phải thu về ít nhất 5 chú say rượu nhỉ…và cùng nhau cười. Chất lượng bệnh viện có tốt hay không sẽ phụ thuộc vào “khoản thu” được từ người bệnh. Người bệnh là khách hàng của bệnh viện. Do đó mỗi nhân viên bệnh viện chắc nên hiểu về hệ thống bảo hiểm, cách nào bệnh viện thu được phí một cách đúng luật và vẫn giữ được “cái tâm của nghề y”

🌱Tại Nhật chuyện công bố “báo cáo doanh số” rất được coi trọng. Nhân viên cũng biết rõ tài chính bệnh viện, lỗ lãi ra sao, dù biết đó là doanh số đã qua “tính toán”, công khai được.

*Lưu ý: Nếu cảm thấy bài viết hay và bổ ích, các bạn có thể lấy làm tư liệu. Nhưng đề nghị các bạn phải ghi nguồn và chia sẻ link trang WEB cũng như link kênh youtube mà mình đính kèm cuối bài.

☎️Hãy liên hệ với chúng tôi:☎️

💚#こころメディ合同会社💚
💚KOKOROMEDICAL LLC💚
(Kết nối y tế Nhật 🇯🇵🇻🇳Việt)

🏥 : 〒121-0055 Tokyoto Adachiku Kahei 1-1-9
☎️ : 03-5856-1516
🖨 : 03-5856-1516
💌 : kokoromedi@kokoromedi.com
⌨️ : https://www.kokoromedi.com
💻 : https://m.facebook.com/ytekokoromedical/?ref=bookmarks
⌨️ : https://www.youtube.com/watch?v=x7hb8-pTi6Y&t

💓Rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ các chuyên gia đa ngành và sự ủng hộ của cộng đồng.💓

🩺👩‍⚕️Lĩnh vực hoạt động KOKORO MEDICAL🩺👩‍⚕️

💓1. Tổ chức các lớp học ngắn và dài hạn cho các cán bộ y tế của 2 nước Việt Nam – Nhật Bản.
💓2. Cung cấp kênh thông tin và các bài học về Y tế Nhật Bản qua kênh youtube
💓3. Kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế.
💓4. Hỗ trợ biên phiên dịch tiếng Nhật-Việt.
💓5. Hỗ trợ người Việt khám và chữa bệnh tại Nhật.